Tết Trùng dương (重阳) còn gọi là tết Trùng cửu (重九) bởi vì đúng vào ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch, nhị cửu tương trùng, nhật nguyệt tịnh ứng. Thời cổ, mọi người cho số 9 là số dương cho nên gọi là tết Trùng dương. Thực phẩm được dùng vào ngày tết Trùng dương là “ẩm cúc hoa tửu” (饮菊花酒 – uống rượu hoa cúc) và “ngật Trùng dương cao” (吃重阳糕 – ăn bánh Trùng dương).
“Đăng cao” (登高 – lên cao) là hoạt động chủ yếu trong ngày tết Trùng dương của người xưa, lúc ban đầu khi đăng cao phải uống rượu hoa cúc, Tại sao như vậy? Tương truyền vào thời Đông Hán, Hoàn Cảnh (桓景) người Nhữ Nam (汝南) theo Phí Trường Phòng (费长房) học đạo. Một ngày nọ, Phí Trường Phòng nói với Hoàn Cảnh rằng: Ngày mồng 9 tháng 9, tại Nhữ Nam sẽ xảy ra tai hoạ, bảo người nhà của Hoàn Cảnh đeo túi nhỏ đựng cành thù du (茱萸) trên cánh tay sau đó leo lên núi cao uống rượu hoa cúc thì có thể tránh được tai hoạ. Hoàn Cảnh vội vàng làm theo, và khi chiều tối về lại nhà ông phát hiện gà chó dê bò trong nhà đều chết sạch. Tập tục tết Trùng dương đăng cao uống rượu hoa cúc đã truyền lại như thế.
Tết Trùng dương đăng cao uống rượu rất thịnh hành vào thời Đường Tống. Trong Thiên kim phương – Nguyệt lệnh (千金方 - 月令) ghi rằng:
Trùng dương chi nhật, tất dĩ hào tửu đăng cao viễn thiếu, vi thời yến chi du thưởng, dĩ sướng thu chí. Tửu tất thái thù du, cam cúc dĩ phiếm chi, kí tuý nhi hoàn.
重阳之日, 必以肴酒登高远眺, 为时宴之游赏, 以畅秋志. 酒必采茱萸, 甘菊以泛之,既醉而还.
(Ngày Trùng dương, chuẩn bị rượu ngon lên cao ngắm cảnh xa, tổ chức tiệc vui chơi thưởng ngoạn để thư sướng lúc ngày thu. Rượu phải hái thù du, hoa cúc ngâm vào, uống đến say mới về.)
Trong bài Cấm trung cửu nhật đối cúc hoa tửu ức Nguyên Cửu (禁中九日对菊花酒忆元九) Bạch Cư Dị (白居易) đã viết:
Tứ tửu doanh bôi thuỳ cộng trì
Cung hoa mãn bả độc tương tư
Tương tư chỉ bàng hoa biên lập
Tận nhật ngâm quân vịnh cúc thi
赐酒盈杯谁共持
宫花满把独相思
相思只傍花边立
尽日吟君咏菊诗
Rượu vua ban cho đã rót đầy biết cùng với ai nâng chén
Hoa trong cung nở khắp, chỉ riêng mình mong nhớ
Mong nhớ chỉ biết đứng tựa bên hoa
Cả ngày ngâm bài thơ vịnh cúc của anh
Cách làm rượu hoa cúc nhân tết Trùng dương trong Tây kinh tạp kí (西京杂记)có nói đến:
Cúc hoa thư thời, tịnh thái hành diệp, tạp thử mễ nhưỡng chi. Chí lai niên cửu nguyệt cửu nhật thuỷ thục tựu ẩm yên. Cố vị chi cúc hoa tửu.
菊花舒时, 并采茎叶, 杂黍米酿之. 至来年九月九日始熟就饮焉. 故谓之菊花酒.
(Khi hoa cúc mới bắt đầu nở, hái lấy thân, lá trộn với nếp ủ thành rượu, đợi đến mồng 9 tháng 9 năm sau, rượu mới chín có thể uống được cho nên mới gọi là rượu hoa cúc.)
Tết Trùng dương thưởng ngoạn hoa cúc, uống rượu hoa cúc càng tăng thêm thú vị. Hoa cúc ngoài giá trị thưởng ngoạn ra còn có công hiệu trừ khử được một số bệnh. Thời Hán Vũ Đế, mỗi khi gặp tết Trùng dương, trong cung đều uống rượu hoa cúc, “để được trường thọ”. Trong Phong tục thông nghĩa (风俗通义) chép rằng: Thời cổ tại làng Cam Cốc (甘谷), huyện Li (郦) tỉnh Hà Bắc (河北), khắp núi mọc đầy hoa cúc. Hoa cúc rụng xuống khe suối khiến nước ở đây tràn đầy mùi thơm. Hơn 30 hộ dân sống gần đó do uống nước có hoa cúc, nên đều trường thọ. Thượng thọ là 123 tuổi, trung thọ hơn trăm tuổi, và hạ thọ cũng đạt đến 70, 80 chục tuổi. Điều này có liên quan nhất định đến công kéo dài tuổi thọ của hoa cúc.
Dược tính của hoa cúc là ngọt, hơi đắng, có công dụng trừ nhiệt, dưỡng gan sáng mắt, tiêu đờm giải độc. Khoa học thực nghiệm đã chứng minh, hoa cúc có công hiệu khuếch trương huyết quản, có thể hạ huyết áp, đối với bệnh động mạch vành cũng có công hiệu nhất định. Hoa cúc có thể dùng làm thức ăn. Lý Thời Trân (李时珍) trong Bản thảo cương mục (本草纲目) cũng có nói:
Kì miêu khả sơ, diệp khả xuyết, hoa khả nhị, căn khả dược, nang chi khả chẩm, nhưỡng chi khả tửu.
其苗可蔬, 叶可啜, 花可饵, 根可药, 囊之可枕, 酿之可酒
(Mầm có thể làm rau, lá có thể ăn, hoa có thể ăn, rễ có thể làm thuốc, bỏ vào túi có thể dùng gối đầu, ủ có thể làm rượu)
Có thể thấy, bảo kiện dưỡng sinh mới là nguyên nhân căn bản của việc uống rượu hoa cúc vào tết Trùng dương.
Ngày Trùng dương, còn có tập tục ăn bánh Trùng dương (Trùng dương cao - 重阳糕). Thời Nguỵ Tấn đã có tập tục này, đến thời Đường thì rất thịnh hành. Tống Tử Kinh (宋子京), thi nhân đời Đường có câu thơ rằng:
Lưu lang bất cảm đề cao tự,
Hư phụ thi trung nhất thế hào.
刘郎不敢提糕字
虚负诗中一世豪
Lưu lang không dám nói đến chữ “cao”
Việc đó đã phụ danh thi hào của ông
Lưu lang ở đây chính là thi nhân Lưu Vũ Tích (刘禹锡), nhân vì trong thơ về tết Trùng dương, ông cố ý tránh dùng chữ “cao” (糕 – bánh), nên Tống Tử Kinh đã phê bình như thế. Đến thời Tống, bánh Trùng dương có rất nhiều loại. Thời Bắc Tống, Mạnh Nguyên Lão (孟元老) trong Đông kinh mộng hoa lục (东京梦花录) nói rằng: trước 1,2 ngày, mọi người lấy bột làm thành bánh tặng cho nhau, bên trên có cắm những lá cờ nhỏ, thêm những quả như thạch lựu, trái lật, ngân hạnh, tùng tử … lại lấy bột nặn hình sư tử để trên bánh. Thời Minh Thanh, tết Trung dương ở kinh sư, các loại bánh vô cùng phong phú. Có nơi bánh Trùng dương làm thành 9 tầng, bên trên có 2 con dê nhỏ, ngụ ý “trùng dương”. Vào ngày Trùng dương, một số nơi còn có phong tục tặng bánh cho con gái đã lấy chồng, có nơi rước con gái về lại nhà cùng chung vui để biểu thị sự đoàn viên, cho nên ngày Trùng dương còn được gọi là “Nữ nhi tiết” (女儿节).
Thế thì vào tết Trùng dương tại sao phải ăn bánh Trùng dương? Trong dân gian có một truyền thuyết như sau:
Ngày xưa có một người nông dân sống dưới chân núi rất chăm chỉ làm việc, sáng sớm ra đi chiều tối mới về. Người nông dân này có lòng trung hậu, hay giúp đỡ người khác. Có một lần trời sắp tối, anh ta ra về trên đường gặp phải một ông lão có dáng như là thầy bói, nhân vì ông lão không có chỗ trú ngụ, anh ta liền mời về nhà mình, dọn cơm thết đãi và sắp xếp cho chỗ ngủ. Ông lão không khách sáo liền ngủ ngay. Sáng sớm hôm sau trước lúc lên đường, ông lão bảo với anh nông dân rằng: Ngày mồng 9 tháng 9, nhà anh sẽ gặp tai hoạ. Anh nông dân lo sợ hỏi: anh không làm điều xấu sao lại phải gặp tai hoạ? Ông lão bảo rằng: Trời còn có gió mưa không lường trước được, thì người tốt cũng khó mà tránh khỏi tai hoạ. Nhưng xin đừng lo, trước ngày mồng 9 tháng 9 nên dọn nhà đến một nơi cao ít cây cối, chỉ cần nghe theo lời ông là có thể tránh được. Nói xong ông lão liền đi mất. Anh nông dân đếm ngón tay, chỉ còn 2 ngày nữa là tới mồng 9 tháng 9, càng nghĩ tới càng lo, cuối cùng quyết định làm theo. Anh ta gọi vợ con đem những đồ có thể mang được dời lên trên đỉnh núi cao. Đến sáng sớm ngày mồng 9 tháng 9, đồ đạc dọn tạm đủ, anh ta đưa vợ con lên núi. Vừa mới tới đỉnh núi, quay đầu lại nhìn, căn nhà đã bị lửa thiêu rụi. Lửa càng lúc càng lớn, chân núi, lưng núi là một biển lửa, đỉnh núi may chỉ toàn là đá nên lửa bén không tới.
Câu chuyện nhà anh nông dân ngày mồng 9 tháng 9 lên cao tránh hoả tai lan truyền rất nhanh, một đồn mười, mười đồn trăm, đến ngày mồng 9 tháng 9 năm sau, một số người sợ hoả tai đến nhà mình nên già trẻ lớn bé đều dọn nhà lên cao để tránh tai hoạ. Nhưng nhưng nhà ở đồng bằng chung quanh không có núi, cũng không có những chỗ cao, làm sao lên cao để tránh? Thêm nữa, hàng năm cứ đến mồng 9 tháng 9 dọn nhà một lần thì không thể nào kham nỗi. Về sau có người nghĩ ra một cách, đến ngày mồng 9 tháng 9 làm bánh (cao) ăn. Chữ “cao” (糕 ) là bánh đồng âm với chữ “cao” (高) là cao thấp, lấy việc ăn “cao” để biểu thị đăng cao tránh tai hoạ.
Ở nông thôn lưu truyền câu:
Trùng dương bất ngật cao,
lão lai vô nhân cáo
重阳不吃糕,
老来无人告
(Tết Trùng dương mà không ăn bánh Trùng dương, thì về già không ai đến cáo)
“cáo” (告) ở đây có nghĩa là mời. Hoá ra ăn bánh Trùng dương là quy củ mà người ta mượn để thay thế cho việc đăng cao tránh hoạ. Người nào mà vào tết Trùng dương không ăn bánh thì đó là người không tốt, không chừng một ngày nào đó tai hoạ sẽ giáng xuống bản thân. Vì vậy tết Trùng dương ăn bánh Trùng dương đã trở thành một tập tục nối đời truyền mãi.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn ngày 26 tháng 5 năm 2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
MÃI CAO CÔ TỬU TÁC TRÙNG DƯƠNG
TRÙNG DƯƠNG TIẾT THỰC TỤC
买糕沽酒作重阳 重阳节食俗
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
ẨM THỰC
中国民俗文化饮食
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Dẫn theo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét