Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

CHỮ “TRUNG” TRONG VĂN HOÁ TRUNG QUỐC (Thầy Huỳnh Chương Hưng)



1- Ý nghĩa của chữ “trung” (中)

Theo cách sắp xếp trong Hán Việt tự điểncủa Thiều Chửu, chữ “trung” gồm 4 nét, thuộc bộ “cổn” (丨). Về ý nghĩa của chữ, chúng ta đều biết “trung” có nghĩa là bên trong, ở giữa, từ đó dẫn đến nghĩa “trung” là ngay thẳng, không thiên lệch. Thật ra nghĩa gốc, nghĩa ban đầu của chữ “trung” – một phương vị từ, là dùng để chỉ một vật cụ thể. Nó thuộc loại chữ chỉ sự (một trong 6 cách thành lập văn tự Trung Quốc). Trong giáp cốt văn và kim văn đều viết với hình dạng giống như một cây cột, giữa thân cột có treo một chiếc trống, 2 đầu cột có treo cờ. trong Khang Hi tự điển có mấy chữ “trung” cổ có hình dạng giống như thế (Khang Hi tự điển, tiêu điểm chỉnh lí bản, trang 4, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003). Trống và cờ được treo cùng một thân cây. Cờ treo trên cột được người xưa dùng để quan trắc hướng gió, sức gió, từ đó mà phán đoán nắng mưa, thời tiết tốt xấu. Cột có treo cờ cũng chính là vật mà tầng lớp thống trị cổ đại dùng để triệu tập mọi người. Trống đập vào thính giác, cờ đập vào thị giác. Nghe tiếng trống biết được thủ lĩnh muốn triệu tập; nhìn thấy cờ biết được địa điểm tập hợp. Và một khi mọi người tụ tập sẽ đứng chung quanh, cây cột sẽ ở vào vị trí chính giữa. Từ đó dẫn đến nghĩa bên trong, nghĩa chính giữa. Vị thủ lĩnh ở vào vị trí trung tâm, chính ông ta sẽ là người chi phối mọi hoạt động của cả cộng đồng, do đó vị trí trung tâm vô cùng quan trọng.

2- Một số chứng tích minh chứng cho tư tưởng chuộng Trung

Tại thôn Bán Pha (半坡) ở Tây An (西安) và tại thôn Khương Trại (姜寨) thuộc huyện Lâm Đồng (臨潼), các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện nhiều di chỉ về quần thể nhà ở của người nguyên thuỷ. Mỗi quần thể nhà ở gồm một toà nhà lớn được bao bọc bởi nhiều gian nhà nhỏ xung quanh, hình thành nên một tổ hợp kiến trúc lấy toà nhà lớn làm trung tâm. Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, đây là nơi để tập hợp cộng đồng. Nội dung chủ yếu của việc tập hợp cộng đồng ở chế độ xã hội nguyên thuỷ là tế tự: tế trời, tế thần, tế tổ và cũng có thể đây là nơi cư trú của vị thủ lĩnh. Đem nơi tế tự đặt ở chính giữa khu vực cư trú đã phản ánh quan niệm xem trung tâm là tôn quý. Các triều đại phong kiến về sau cũng đã theo lối kiến trúc này, họ cho xây dựng Minh đường và tông miếu theo cách bố cục đối xứng trục tuyến chữ “thập” (十). Gian ở giữa lớn nhất được gọi là Thái thất (太室). Đây chính là sự kế thừa mang tính truyền thống và liên tục theo chiều dài của lịch sử. Trong các công trình kiến trúc của dân gian cũng vậy, kiến trúc có tiền đường hậu thất. Chính giữa tiền đường là Chính đường (正堂), còn gọi là Trung đường (中堂); chính giữa hậu thất là Chính thất (正室), đây là hai nơi quan trọng, chủ thể của phòng ốc cư trú. Hai bên chính thất còn cóĐông phòng (東房) và Tây phòng (西房). Chính thất là nơi ở của vợ cả nên từ “chính”
thất” được dùng để chỉ vợ cả, còn người thiếp được gọi là Trắc thất (側室) hoặc
Thiên phòng (偏房).

3- Những biểu hiện của tư tưởng chuộng Trung

Người Trung Quốc cổ đại đã tự cho mình ở vào vị trí trung tâm của thiên hạ. Quan niệm này đã có từ thời Ân Thương (thế kỉ XVII – XI trước cn). Trong các thư tịch cổ đại của Trung Quốc, chúng ta thường gặp những từ như:
Trung thương (中商) Trung nguyên (中原)
Trung bang (中邦) Trung châu (中州)
Trung thổ (中土) Trung hạ (中夏)
Trung nhưỡng (中壤) Trung hoa (中華)

Những từ trên đều phiếm chỉ khu vực sinh sống của dân tộc Hoa Hạ, phản ánh tâm lí cho mình ở vào vị trí chính trong thiên hạ cho dù điều đó có thực hay không. Đối với một đất nước, kinh đô được xem là nơi trung tâm nên kinh đô được gọi là Trung kinh (中京) hoặc Trung đô (中都). Triều đình là trung tâm của kinh đô, hoàng đế lại là trung tâm của triều đình, chính vì thế từ “trung” còn được dùng để biểu thị triều đình hoặc hoàng đế:

Trung ngữ (中語): những lời nói ở trong cung.
Trung thư (中書): sách vở được tàng trữ trong cung.
Trung báo (中報): những báo cáo của triều đình.
Trung quý (中貴): những người quý hiển ở triều đình.
Trung doanh (中營): doanh trại của hoàng đế.
Trung chỉ (中旨): chiếu dụ của hoàng đế.
Trung phê (中批): những phê chuẩn của hoàng đế.

Nếu chốn trần gian bậc đế vương ở vào vị trí trung tâm thì trên trời thiên đế cũng ở vào vị trí trung tâm. Người xưa đã phân chia các sao trên trời thành 3 khu vực: Thái vi (太微), Tử vi (紫微), Thiên thị (天市), lấy Tử vi làm khu vực trung tâm nên còn gọi làTrung cung (中宮) và cho đó là nơi cư ngụ của thiên đế. Vì thế Tử (紫) và đế vương có mối quan hệ mật thiết. Chúng ta hiểu vì sao chiếu thư của vua ban ra còn được gọi là Tử thư (紫書), hoàng cung còn được gọi là Tử đình (紫庭), Tử cực (紫極), Tử cấm(紫禁). Khu vực Tử vi lại lấy sao Bắc cực làm trung tâm, các sao khác chầu về nên sao Bắc cực được ví với bậc đế vương. Thiên Vi chính (為政) trong Luận ngữ (論語)ghi rằng:

Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kì sở nhi chúng tinh củng chi.
為政以德, 譬如北辰, 居其所而眾星共之.
(Làm chính trị (trị dân) mà dùng đức (để cảm hoá dân) thì như sao Bắc đẩu ở một nơi mà các ngôi sao khác hướng cả về)
(Nguyễn Hiến Lê: Luận ngữ, trang 36, NXB Văn học, 1995)
Đem quan niệm coi bậc đế vương là trung tâm nhân gian di chuyển lên trời cốt để chứng minh cho tính hợp lí của địa vị tôn quý ở các bậc đế vương và sự
thống trị của họ.

Phái Ngũ hành đã đem Trung (中) – Thổ (土) – Hoàng (黃) phối hợp với nhau. Đây cũng là sản phẩm của quan niệm xem mình là trung tâm. Đất là nơi con người sinh tồn, con người không thể rời khỏi đất, vì thế trong ngũ hành, Thổ là quan trọng nhất. Với phương vị Đông, Tây, Nam, Bắc, Thổ ở vào vị trí trung tâm của bốn phương. Dân tộc Hoa Hạ sống ở cao nguyên hoàng thổ nên màu vàng được phối với Thổ. Do đó, trong quan niệm của người Trung Quốc cổ đại, đó là:

Hoàng, trung chi sắc dã
黃, 中之色也
(Màu vàng là màu ở trung gian)
(Tả truyện 左傳 , Chiêu Công năm thứ 25)

Hoàng giả, âm dương chi trung sắc dã.
黃者陰陽之中色也
(Màu vàng là màu ở giữa âm và dương)
(Tấn thư – Nhạc chí thượng 晉書 - 樂志上);

Sắc chi chí mĩ dã
色之至美也
(Màu vàng là màu đẹp nhất)
(Tống sử - Ẩn dật truyện hạ - Quách Ung 宋史 - 隱逸傳下 - 郭雍)
Vì thế có lúc “trung” được dùng để thế cho “hoàng”, Trung đạo tức Hoàng đạo (còn gọi là Quang đạo 光道), Hoàng đạo là cát tường, là tốt lành bởi vì nó là trung sắc, sắc màu tôn quý.
Thuỷ tổ của dân tộc Hoa Hạ là Hoàng Đế (黃帝), ban đầu chữ “Hoàng” này là chữ 皇, có nghĩa là to lớn; Hoàng Đế tức Đại đế, khi học thuyết Ngũ hành xuất hiện, người đời sau mới đổi chữ 皇có nghĩa là to lớn thành chữ 黃có nghĩa là màu vàng để nhất trí với quan niệm cho dân tộc Hoa Hạ ở vào vị trí trung tâm của thiên hạ.

Trung còn được phối hợp với “cam” (甘 – ngọt) ở vị giác và với “hương” (香 – thơm) ở khứu giác. Có thể nói những gì tốt đẹp đều quy về cho trung.
Ngày xưa trong quân đội được chia ra Tả - Trung – Hữu hoặc Thượng – Trung – Hạ. Trung quân là nơi quan trọng bậc nhất do chủ tướng thống lĩnh. Vị tướng ở vào vị trí trung tâm, dùng lời lẽ sắc bén đê điều khiển nên gọi là Trung kiên (中堅). Trong gia đình, phận làm con cháu cũng phải biết ở vào vị trí thích hợp. Những nơi tôn quý dành cho bậc trưởng thượng, phận con cháu không được ngồi giữa chiếu, đi giữa đường, đứng giữa cửa. Tư tưởng chuộng Trung đã thấm sâu vào mỗi người và lưu truyền đến hiện nay. Ngày nay, chúng ta đều biết, với đại hội, hội nghị, vị trí ở giữa trên đoàn chủ tịch thuộc về người lãnh đạo cao nhất, thậm chí khi chụp hình tập thể, vị trí ở giữa cũng thường được dành cho bậc tôn trưởng, đây là nguyên tắc mà ai cũng biết. Mọi nguyên tắc ứng xử đều có bóng
dáng của tư tưởng chuộng Trung

4- Quá trình sản sinh ra quan niệm chuộng Trung

Nguồn gốc của quan niệm thẩm mĩ sản sinh từ trong thực tiễn, bắt nguồn từ việc nhận thức đối với sự vật cụ thể. Với người nguyên thuỷ, phương thức săn bắt hái lượm là chủ yếu. Hàng ngày họ tiếp xúc với cây cối, thấy và biết được những đặc điểm của cây, họ thấy rằng với một cây, thân là chủ yếu ở giữa, nhánh nhỏ là thứ yếu ở chung quanh. Với lá, gân chính ở giữa, gân phụ ở hai bên. Với hoa, nhuỵ là cơ quan sinh sản chủ yếu cũng ở vào vị trí trung tâm. Họ đã nhận thức được trung tâm là vị trí quan trọng, có tính chất quyết định. Hoa phát dục sinh sản, trong quả có chứa hạt, gieo hạt xuống sẽ nảy mầm sinh sôi. Người xưa đem nhận thức này gắn liền với quá trình sinh thực của con người. Em bé trong bụng mẹ giống như hạt ở trong quả. Chính vì thế khi tạo chữ, người Trung Quốc cổ đại đã ý thức về mối liên hệ ấy. Chữhài (孩) có nghĩa là em bé với chữ hạch (核) có nghĩa là hạt của quả có một phần giống nhau; cũng như chữ chi (肢) có nghĩa là tay chân với chữ chi (枝) có nghĩa là cành, chữ cân (跟) có nghĩa là gót chân với chữ căn (根) có nghĩa là rễ cây đều có một phần giống nhau. Với căn nhà hình tròn, sức chịu lực là ở vị trí trung tâm, nếu lệch nhà sẽ đổ. Với bánh xe, bầu xe ở giữa mới là then chốt, nếu không có bầu xe bánh xe sẽ không di chuyển được. Đến như thân thể của con người, quả tim mới được xem là chủ tể của thân thể.

Như vậy tư tưởng chuộng Trung là nhận thức được sản sinh sau khi người xưa đã khái quát, quy nạp những sự vật cụ thể, đa hình đa dạng. Thực vậy, trong sự vật khách quan, nhân tố có tác dụng chủ đạo luôn ở vị trí trung tâm.Thái dương hệ lấy mặt trời làm trung tâm; điện tử lấy hạt nguyên tử làm trung tâm; tế bào lấy nhân tế bào làm trung tâm. Nếu không có trung tâm sẽ không có sự cân bằng, sự vật khó duy trì sự tồn tại, đây là tính chất quan trọng của Trung.

5- Từ tư tưởng chuộng trung đến học thuyết Trung dung của Nho giáo

Sau thời Xuân Thu, tư tưởng chuộng Trung đã tiến thêm một bước về mặt lí luận, đối với sự chuẩn mực về hành vi đạo đức trong việc đối nhân xử thế. Xuân Thu là thời loạn lạc, giữa các nước luôn xảy ra chiến tranh nhằm thôn tính lẫn nhau, chế độ lễ nhạc của thời trước bị phá hoại, trật tự xã hội không được duy trì.Trước tình hình đó, một số nhà lí luận đề xuất học thuyết Trung dung (中庸), Trung Hoà (中和) nhằm mục đích ổn định lại trật tự xã hội, đưa xã hội vào khuôn phép. Trung có nghĩa là ngang bằng, làn quân bình, là chuẩn mực tốt nhất để giữ được trạng thái vốn có của sự vật. Nắm được Trung sẽ không có quá và bất cập, thiên hạ sẽ thái bình yên ổn, cho nên Nho gia đã đẩy nguyên tắc Trung dung, Trung hoà lên đến tột đỉnh. Trong sách Trung dung (中庸) ghi rằng:

Hỉ nộ ai lạc chi vị phát vị chi trung. Phát nhi trúng tiết vị chi hoà. Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã. Hoà dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã. Trí trung hoà, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên.
喜怒哀樂之未發謂之中. 發而中節謂之和. 中也者, 天下之大本也. 和也
者, 天下之達道也. 致中和, 天地位焉, 萬物育焉
(Vui mừng, giận dữ, đau buồn, vui sướng, lúc chưa phát ra gọi là Trung. Phát ra mà đều trúng tiết gọi là Hoà. Trung là gốc lớn của thiên hạ. Hoà là đạo thông suốt của thiên hạ. Trung hoà mà đến mức cùng tột thì trời đất yên vị, vạn vật sinh sôi nảy nở vậy)
(Nguyễn Đức Lân: Tứ thư tập chú, trang 85. NXB Văn hoá thông tin 1998)

Thiên địa vị yên (天地位焉) chính là nói mọi vật đều có được đúng vị trí của mình, không bị chệch đường. Hoặc như trong Xuân Thu phồn lộ - Tuần thiên chi đạo (春秋繁露 - 循天之道):
Trung giả, thiên hạ chi chung thuỷ dã, nhi Hoà giả, thiên địa chi sở sinh thành dã. Phù đức mạc đại vu Hoà, nhi đạo mạc chính vu Trung. Trung giả, thiên địa chi mĩ đạt lí dã.
中者, 天下之終始也, 而和者, 天地之所生成也. 夫德莫大于和, 而道莫正于中. 中者, 天地之美達理也.
(Trung là sự chung thuỷ của thiên hạ, còn Hoà là chỗ sinh thành của trời đất. Phàm về Đức thì không có gì lớn bằng Hoà, về Đạo thì không có gì ngay thẳng bằng Trung. Trung là cái đẹp của trời đất đạt đến sự chuẩn mực)
Đối với giai cấp thống trị, nắm giữ được Trung sẽ làm tốt việc cai trị đất nước, không mềm, không cứng, không thiên lệch, điều hoà được mâu thuẫn, ổn định được xã hội. Đối với nhân dân, theo nguyên tắc Trung sẽ không oán không giận, không có hành vi quá khích, không có hành động phạm thượng.
Theo Dương Lâm (楊琳), học thuyết Trung dung có hai đặc tính quan trọng:
- Khi sự vật có lợi cho xã hội, có ích cho nhân dân thì giữ vững nguyên tắc Trung dung tức là bảo vệ hiện trạng vốn có của nó, bảo vệ được lợi ích của nhân dân. Điều này mang tính tích cực.
- Khi sự vật không có lợi cho xã hội, không có lợi cho nhân dân, nếu cứ giữ vững nguyên tắc Trung dung thì đó là bảo vệ sự lạc hậu, phản đối sự chuyển hoá của sự vật, gây trở ngại cho sự phát triển. Điều này mang ý nghĩa tiêu cực.

Tóm lại, người Trung Quốc cổ đại đã tạo ra chữ “trung” trên cơ sở nhận thức hiện thực khách quan nhận biết được trong cuộc sống, họ đã khiến cho ý nghĩa nội tại của từ “trung” ngày càng thêm phong phú, tư tưởng chuộng Trung ngày càng được củng cố và lưu truyền đến nay.

Không chỉ riêng Trung Quốc, có thể nói rằng toàn nhân loại đều có tư tưởng chuộng Trung. Cho nên để lí giải chính xác một quan niệm tư tưởng có quan hệ với hiện tượng văn hoá cần phải thấu triệt hệ thống phát triển của nó. Và có thấu triệt hệ thống phát triển của nó mới có thể tạo cho chúng ta những thuận lợi cho việc nghiên cứu văn hoá ngôn ngữ trong ngôn ngữ văn hoá ./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

TỪ ĐIỂN

1-HỨA THẬN (Hán) (1996), Thuyết văn giải tự, Trung Hoa thư cục xuất bản. (bản chữ Hán)
2-NGUYỄN TÔN NHAN (2002), Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, HCM.
3-THIỀU CHỬU (1993), Hán Việt tự điển, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, HCM.
4- Khang Hi tự điển ( Tiêu điểm chỉnh lí bản). Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003. (bản chữ Hán)
5-Từ Hải, Thượng Hải Phúc châu lộ, Trung Hoa thư cục xuất bản, năm 1967 (bản chữ Hán)
6-Từ điển Trung – Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992

SÁCH

1-DƯƠNG LÂM (1996), Hán ngữ từ hối dữ Hoa Hạ văn hoá, NXB Ngữ văn, Bắc Kinh, Trung Quốc. (bản Trung văn)

Thầy Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn, tháng 4 năm 2012
Dẫn theo : Website Thầy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét