Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

CHẾ ĐỘ THÊ THIẾP CỦA QUAN LẠI VÀ DÂN THƯỜNG (Thầy Huỳnh Chương Hưng)



Hình thức đa thê của đế vương phong kiến Trung Quốc biểu hiện ở chế độ phi tần, còn các giai tầng quan lại và dân thường biểu hiện ở việc nạp thiếp. Thời cổ, thiếp còn được gọi là “tiểu lão bà” 小老婆. Nhân vì thời đại khác nhau và khu vực khác nhau nên cách gọi cũng không giống nhau, đời sau gọi chung thê thiếp là “nội thất” 内室.

Thời cổ, thê thiếp có sự khu biệt nghiêm ngặt. Trong Lễ kí – Nội tắc 礼记 - 内则có ghi:
Sính tắc vi thê, bôn tắc vi thiếp.
聘则为妻, 奔则为妾
(Có cưới hỏi là thê, đi theo là thiếp)

Phàm thê đều phải có đầy đủ hôn lễ, mai mối cưới hỏi đàng hoàng, còn nạp thiếp thì không nhất định phải câu nệ hình thức hoặc lễ tiết gì. Nguồn gốc của thiếp có nhiều loại, nạp thiếp có thể lấy “thu phòng” 收房, tức sau khi phát sinh quan hệ tính giao với a hoàn hàng ngày hầu hạ, có thể thu nạp làm thiếp; cũng có thể dùng tiền để mua. Trong Nhân thoại lục 因话录 có chép câu chuyện: Thi nhân đời Đường Liễu Công Xước 柳公绰 khi làm quan ở Tây Xuyên 西川 đã mua một ca kĩ làm thiếp. Lúc bấy giờ có người khuyên ông nên trả lại ca kĩ, ông nói rằng:

Sĩ hữu nhất thê nhất thiếp, dĩ chủ trung quỹ sái tảo. Công Xước mãi thiếp, phi kĩ dã.
士有一妻一妾, 以主中馈洒扫. 公绰买妾, 非妓也

(Kẻ sĩ có một thê một thiếp để lo việc bếp núc quét dọn. Công Xước này mua thiếp, chứ không phải mua kĩ nữ.)

Trong Đào Am mộng ức 陶庵梦忆 cũng chép, đời Minh có “Dương Châu tiện mã” 扬州便马. Vùng Dương Châu có nhiều người chuyên bán các cô gái cho người ta mua về làm thiếp, những cô gái đó “phi xướng phi kĩ” 非娼非妓, mà gọi là “sấu mã” 瘦马. Trong xã hội phong kiến hàng ngàn năm ở Trung Quốc, tục mua thiếp luôn thịnh, mua thiếp là một trong những cách chủ yếu của việc nạp thiếp.

Thiếp cũng có thể chuyển nhượng hoặc tặng cho nhau. Thời Tần, Lã Bất Vi 吕不韦 cưới một cô gái xinh đẹp làm thiếp, cùng sống với nhau đến khi có mang, Lã Bất Vi lại đem tặng cho công tử Dị Nhân 异人 nước Tần đang làm con tin ở nước Triệu, về sau sinh ra Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇.

Thiếp không chỉ có thể tặng mà còn có thể dùng làm vật trao đổi. Trung Quốc thời cổ có tục dùng bảo đao, danh mã, mĩ thiếp tặng cho người. Gặp những món đồ ham thích, có thể dùng thiếp để trao đổi là chuyện bình thường. Như thời Đường có câu chuyện dùng ái thiếp đổi lấy ngựa quý. Trong Đường thi kỉ sự 唐诗纪事 ghi rằng:

Vi Sinh 韦生 có danh mã, Bảo Sinh 鲍生 có mĩ thiếp. Một lần nọ hai người cùng nhau vui chơi uống rượu, Bảo Sinh sai thị thiếp Mộng Lan 梦兰 xinh đẹp rót rượu giúp vui. Uống đến độ ngà say, hai người đến bên hiên nhìn ngắm những con ngựa quý của Vi Sinh. Vi Sinh nói rằng: ‘Nếu ông có thể dùng người thiếp để đổi thì những con ngựa quý trong chuồng ông có thể chọn lấy bất cứ con nào.’ Bảo Sinh nhìn thấy một con tuấn mã, trong lòng vô cùng yêu thích, liền bảo thị thiếp trang điểm thay đổi y phục để tặng cho Vi Sinh. Vi Sinh nhìn thấy người thiếp dung mạo xinh đẹp này liền hân hoan đem con danh mã “Tử sất” 紫叱 tặng cho Bảo Sinh.

Thời cổ thân phận cùng địa vị của thê và thiếp có sự khu biệt rất rõ. Từ lễ chế mà nói “phu thê nhất thể” 夫妻一体, “tề đẳng” 齐等, thê có thể cùng với phu cùng ngồi cùng đứng, còn thiếp thì không được như thế. Trong xã hội theo chế độ tông pháp, cưới thê phải bái yết tông miếu. Khi tế, thê giữ một vai trò quan trọng. Sau khi thê mất được đưa vào tông miếu từ đường hương hoả thờ phụng. Còn thiếp nói chung không thể tham gia tế tổ tại tông miếu, miễn cưỡng lắm được cho phép tham gia nhưng với vai trò thứ yếu. Sau khi mất cũng không có quyền lợi được phối thờ hương hoả. Cho dù sinh được con cái, cũng chỉ có thế hưởng thụ một lễ tế khác, không được hưởng chính tế.

Từ phương thức cưới hỏi mà nói, thê có mai mối cưới hỏi đàng hoàng còn thiếp không câu nệ vào hình thức lễ tiết. Cho dù được cưới, nghi thức cũng đơn giản rất nhiều, một chiếc kiệu nhỏ khiêng đến là được. Do bởi thê là vợ chính thức cho nên chỉ có một, giống như hoàng đế chỉ lập một hoàng hậu, những người khác chỉ là phi tần. Quan lại và dân thường chỉ có một chính thê, còn thiếp thì có thể có mấy người thậm chí mấy chục mấy trăm người.

Do bởi danh phận thê thiếp cực kì nghiêm ngặt cho nên trong lễ chế cổ đại không cho phép lấy thiếp loạn thê. Thời Tây Hán, Khổng hương hầu Phó Yến 傅晏 lấy thiếp làm thê bị tội danh “loạn thê thiếp chi vị” 乱妻妾之位 (làm loạn vị thứ thê thiếp) đã bị đoạt tước miễn quan, đày đến Hợp Phố 合浦.

Thời cổ, không chỉ quan lại có thể nạp thiếp, mà những thị dân nghèo khổ cũng có thể cưới thiếp. Trong Mạnh Tử - Li Lâu 孟子 - 离娄 có chép:

“Nước Tề có người cưới một thê một thiếp, nhà nghèo không có gì để mưu sinh. Người chồng hàng ngày ra khỏi nhà khi trở về đều luôn no say. Người thê hỏi ăn uống ở đâu, anh ta trả lời là ở nhà những người giàu có. Thê và thiếp thường nghe chồng mình nói có giao tiếp với những người giàu, nhưng không thấy một người giàu nào đến nhà, vì thế sinh nghi ngờ. Một ngày nọ, người chồng lại ra đi, thê và thiếp cùng theo dõi, phát hiện anh ta không dừng ở trong thành mà ra nơi nghĩa địa phía đông, ăn những đồ mà người ta tế nơi mộ, ăn hết chỗ này lại đến chỗ khác. Người thê về buồn rầu nói với người thiếp rằng: ‘Chồng là chỗ dựa suốt đời của chúng ta, nay lại như thế’. Người chồng cho rằng sự việc của mình chưa bị phát hiện nên khi quay về vẫn còn lên mặt với thê và thiếp.

Câu chuyện này tuy giống câu chuyện ngụ ngôn, nhưng đã nói rõ việc nạp thiếp thời cổ mang tính phổ biến.

Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 19/7/2014

Nguyên tác Trung văn
QUAN LẠI BÌNH DÂN THÊ THIẾP CHẾ
官吏平民妻妾制
Trong quyển
HÔN GIÁ
婚嫁
Biên soạn: Hồng Vũ 鸿宇
Tôn giáo văn hoá xuất bản xã, 2004.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét