Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

VẬT CÓ THỂ DÙNG ĐỂ NGỒI, CÓ THỂ DÙNG ĐỂ NẰM BÀN VỀ CHỮ “SÀNG” (Thầy Huỳnh Chương Hưng)



Chữ “sàng” 床 đã sớm thấy trong thư tịch cổ. Ở bài Tư can 斯干 (*) trong Kinh Thi có câu:
Nãi sinh nam tử
Tái tẩm chi sàng
乃生男子
载寝之床
(Sinh con trai
Cho nằm ngủ trên sàng)
Và ở bài Bắc sơn 北山:
Hoặc tức yển tại sàng
或息偃在床
(Có người được nằm nghỉ trên sàng)

Trong Mạnh Tử 孟子 cũng có nói đến ông Thuấn ngồi đánh đàn cầm bên cạnh sàng (1). Sàng không chỉ xuất hiện từ rất sớm, mà còn rất được chú ý: có san hô sàng 珊瑚床, đại mạo sàng 玳瑁床, tượng nha sàng 象牙床; cũng có lê sàng 藜床, thạch sàng 石床 hai loại này có lẽ dân nghèo dùng.

Sàng thời cổ có thể là loại có thể dùng để ngồi và cũng có thể dùng để nằm. Trong Thuyết văn giải tự chú 说文解字注 nói rất rõ:

Sàng chi chế lược đồng kỉ nhi ti vu kỉ, khả toạ. Cố viết an thân chi kỉ toạ (2).
床之制略同几而庳于几, 可坐. 故曰安身之几坐.

(Hình dáng của sàng gần giống với kỉ nhưng thấp hơn kỉ, có thể ngồi. Cho nên gọi là kỉ toạ dùng để an thân)
“Kỉ dài 5 xích, cao 1 xích 2 thốn, rộng 2 xích, Mã Dung 马融 cho là dài 3 xích”(3).
Trong Cai dư tùng khảo 陔余丛考 ghi rằng:

Chí Đông Hán mạt thuỷ chước mộc vi toạ cụ, kì danh nãi vị chi sàng, hựu vị chi tháp (4).
至东汉末始斫木为坐具, 其名乃谓之床, 又谓之榻
(Đến cuối thời Đông Hán mới đẽo gỗ làm dụng cụ để ngồi, gọi đó là sàng, cũng gọi là tháp)

Vật thực sàng bằng gỗ thời Xuân Thu Chiến Quốc phát hiện năm 1958 ở mộ nước Sở tại Tín Dương 信阳 đã chứng minh sàng thời cổ tương đối thấp, cao 19cm(5). Sàng thời cổ có thể đặt kỉ nhỏ lên trên, dùng để đọc sách viết chữ, cũng có thể dùng trong ăn uống. Thời gian dùng sàng thấp này rất dài. Trong sử có nói, Quản Ninh管宁 đời Hán thường ngồi trên tháp bằng gỗ, hơn 50 năm mà “chưa từng khiếm nhã”(**). Và như Đường Minh Hoàng 唐明皇 triệu kiến Lí Bạch 李白, Lí bạch theo Kim mã môn 金马门 vào, Minh Hoàng xuống xe bước tới đón, ban ăn trên Thất bảo sàng. Đây đều là loại có thể ngồi và cũng có thể nằm. Lí Bạch trong bài Tĩnh dạ tư 静夜思 viết rằng:

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

床前明月光
疑是地上霜
举头望明月
低头思故乡

(Trước sàng trăng chiếu sáng
Ngỡ là sương trên mặt đất
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ đến quê nhà)

Có một học sinh hỏi qua thầy dạy: Lí Bạch nằm ngủ trên sàng, làm sao “cử đầu, đê đầu”? Nếu biết sàng là loại có thể ngồi có thể nằm thì sẽ không khó lí giải. Lí Bạch ngồi trên sàng hoặc nằm tựa bên kỉ, có chỗ dựa thì cũng không khó để ngẩng đầu cúi đầu. Nói chung sàng thời cổ vừa có thể ngồi vừa có thể nằm. Nằm tức gọi là “hoành trần” 横陈, bởi con người luôn ngủ nằm. Trong Luận ngữ 论语 có nói:

Tẩm bất thi
寝不尸
Ý nói, khi ngủ không nên nằm duỗi thẳng như cái thây. Trong Tả truyện – Tuyên Công thập ngũ niên 左传 - 宣公十五年 có ghi, nước Tống sai Hoa Nguyên 华元 ban đêm đột nhập vào doanh trại nước Sở, leo lên sàng của Tử Phản 子反 gọi ông ta dậy, từ đây có thể thấy Tử Phản đang nằm ngủ trên sàng. Trong Sử kí 史记, Nhậm An 任安, Điền Nhân 田仁 đều là môn hạ xá nhân của nhà Vệ tướng quân, …. Nhà nghèo cùng ngủ chung sàng (6), sàng ở đây có thể nằm.
Hình chế của sàng cũng rất đa dạng. Có “ỷ sàng” 倚床 tương tự với ghế nằm hiện nay. Thẩm Quát 沈括 trong Vong hoài lục 忘怀录 viết rằng:

Y sàng như kim chi ỷ sàng
欹床如今之倚床
(Y sàng như ỷ sàng hiện nay)

Hồ sàng 胡床 còn gọi là “giao sàng” 交床, hoặc “giao ỷ” 交倚, đây là một loại dụng cụ ngồi gọn nhẹ có thể xếp lại. Còn có loại “thạch sàng” 石床 có thể dùng để ngồi. Trong Kinh Châu kí 荆州记 ghi rằng:

Tương Châu Nam tự Giả Nghị sở xuyên tỉnh, tỉnh bàng hữu cục cước thạch sàng, khả dung nhất nhân toạ. Kì hình chế thậm cổ, tương truyền Giả Nghị sở toạ sàng dã.
湘州南寺贾谊所穿井, 井旁有局脚石床, 可容一人坐. 其形制甚古, 相传贾谊所坐床也.
(Tại Tương Châu Nam tự, Giả Nghị đào giếng, bên cạnh giếng có cục cước thạch sàng (***), có thể ngồi được một người. Hình dạng rất cổ, tương truyền là toạ sàng của Giả Nghị)


CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC

(1)- Mạnh Tử dịch chú – Vạn Chương 孟子译注 - 万章, trang 209, câu:Thuấn tại sàng cầm舜在床琴, Trung Hoa thư cục.
(2)- Đoàn Ngọc Tài 段玉裁: Thuyết văn giải tự chú 说文解字注, lục thiên thượng, “Mộc” bộ, trang 258, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã.
(3)- Vương Niệm Tôn 王念孙: Quảng nhã sớ chứng 广雅疏证, trang 269 dẫn Chu quan tư kỉ diên sớ 周官司几筵疏, Trung Hoa thư cục.
(4)- Triệu Dực 赵翼: Cai dư tùng khảo 陔余丛考, câu “cao toạ diên khởi” 高坐缘起, trang 545, Hà Bắc nhân dân xuất bản xã.
(5)- Du Tùng Niên 俞松年, Mao Gia Nghĩa 茅家义, Mao Đại Luân 毛大伦, Lưu Chi huyên刘支萱: Sinh hoạt danh vật sử thoại 生活名物史话, trang 384, Thượng Hải nhân dân xuất bản xã.
(6)- Uyên giám loại hàm 渊鉴类函, quyển 377, Bắc Kinh thị Trung Quốc thư điếm.


CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH

(*)- Trong nguyên tác in nhầm là Can tư 干斯.
(**)- Trong nguyên tác là “vị thường ki cổ” 未尝箕股.
Thời Nguỵ Tấn trở về trước, vì chưa có ghế nên đều trải chiếu ngồi dưới đất. Ngồi dưới đất có 2 cách: kị toạ và ki cổ.
- Kị toạ 跽坐: phần mông đặt lên 2 gót chân; nếu muốn biểu thị ý tôn kính hoặc bị đối phương làm kinh động thì nhổm lên, đó chính là quỳ. Từ toạ 坐 đến kị 跽 biểu thị sự tôn kính, cảnh giác. 

- Ki cổ 箕股: còn gọi là “ki cứ” 箕踞, 箕倨, đây là một tư thế ngồi không được lịch sự, phần mông chạm đất, hai chân cong lại hoặc dạng ra giống cái ki hót rác. Tư thế ngồi này đại biểu cho sự coi thường, ngạo mạn, thậm chí là xem như cừu thù. Tại sao “ki cổ” lại biểu đạt sự miệt thị? Đó là do người xưa không mặc quần lót bên trong, một khi ngồi dạng hai chân ra, nơi đáy quần sẽ lộ ra khiến đối phương nhìn thấy, rất bất nhã.
Với 2 cách ngồi này, có 2 câu chuyện liên quan đến Tần Thuỷ Hoàng. Đường Thư 唐雎 dùng cách hành thích uy hiếp Tần Vương Chính , Tần Vương Chính sợ phải kị toạ, hướng đến Đường Thư chịu lỗi (Vương quỳ gối tạ lỗi). Từ đó, Tần Vương Chính phẫn nộ cấm chỉ sứ thần mang binh khí đến gần, nhưng vẫn là tính nhầm, bởi về sau lại gặp Kinh Kha 荆轲 muốn giết ông ta. Kinh Kha thích Tần Vương thất bại, khi sắp chết, dựa nơi cột, ngồi kiểu ki cổ, nơi đáy quần lộ ra, Tần Vương Chính bị làm nhục một lần nữa.

(***)- Cục cước thạch sàng 局脚石床 cũng còn gọi là “cục cước sàng” 局脚床, “ngọc cục sàng” 玉局床.


Thầy Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 18/7/2014

Nguyên tác Trung văn
KHẢ TOẠ KHẢ NGOẠ CHI CỤ
ĐÀM “SÀNG”
可坐可卧之具
谈 “床”
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: KỶ ĐỨC DỤ (纪德裕)
Phúc Đán Đại học xuất bản xã, 1998


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét